pacman, rainbows, and roller s
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  CHIẾN BINH CẦU VỒNG 


Phan_2

Rồi tôi trông thấy cha của Lintang, người đàn ông có dáng người giống cây thông ấy, nhìn thằng con đang ngắm nghía xung quanh với niềm háo hức ngày một dâng cao, miệng ông cười mà lòng ngổn ngang – buồn vui lẫn lộn. Tôi hiểu. Người đàn ông đến năm sinh của mình cũng không biết tưởng tượng ra cảnh thấy thằng con sẽ rầu rĩ đến thế nào nếu buộc phải thôi học năm lớp một hay lớp hai bậc tiểu học vì những lý do muôn thuở liên quan đến tiền bạc hay những bức bách đầy bất công của cuộc sống. Đối với ông, giáo dục là một điều bí ẩn. Nếu cha Lintang nhớ không lầm thì trong bốn đời dòng họ nhà ông. Lintang là người đầu tiên được đến trường. Còn nhiều thế hệ trước đó nữa mà ông không thể nào kể hết được, những thế hệ sống cách đây đã lâu rồi, khi người Mã Lai vẫn còn sống rày đây mai đó. Họ mặc quần áo làm từ vỏ cây, ngủ trên các cành cây và thờ mặt trăng. 

Nhìn chung, cô Mus xếp chúng tôi ngồi chung dựa trên nét giống nhau của hai đứa. Lintang và tôi ngồi cùng bàn vì tóc cả hai đều xoăn tít. Trapani ngồi cùng Mahar vì hai đứa đó dễ coi nhất, có nhiều nét giống hệt những ca sĩ Mã Lai truyền thống được mọi người hâm mộ. Trapani không màng gì tới lớp học; nó cứ liếc trộm ra ngoài cửa sổ, dõi theo cái đầu của mẹ nó nhấp nhô lẫn với đầu các bậc cha mẹ khác. 

Nhưng Borek và Kucai được xếp ngồi chung không phải vì chúng trông giống nhau mà vì cả hai đều nghịch như quỷ sứ. Chỉ mới một lúc thôi mà thằng Borek đã kịp lấy khăn lau bảng chùi khắp mặt thằng Kucai. Nhất là con nhỏ Sahara, đứa con gái nhỏ người quấn khăn ấy, nó cố tình hất đổ chai nước của thằng A Kiong, khiến thằng nhóc người Phúc Kiến – Trung Quốc khóc thét lên như thấy ma hiện hồn. Sahara đúng là một con nhóc ương ngạnh hết chỗ nói. Chuyện chai nước hôm đó đã khởi sự mối thù nghịch giữa hai đứa kéo dài mãi cho đến những năm sau. Cơn khóc của thằng A Kiong suýt chút nữa khiến cho buổi học đầu tiên đầy rộn ràng kém vui đi. 

Đối với tôi, sáng hôm ấy là một buổi sáng không thể nào quên, nó luôn hiện hữu trong tâm trí tôi suốt hàng chục năm sau đó. Sáng hôm ấy, tôi trông thấy Lintang lóng ngóng đánh vật với cây bút chì to tổ bố, đầu chì không được vót nhọn, cứ như cầm con dao thái. Cha nó đã mua phải bút chì không phù hợp. Nó có hai màu khác nhau, một đầu màu đen, đầu kia màu xanh da trời. Đó chẳng phải loại bút thợ may dùng để làm dấu lên vải hay sao? Hay thợ đóng giày dùng để làm dấu lên da? Dù cho thế nào đi nữa, đây dứt khoát không thể là bút dùng để viết. 

Ông cũng mua phải loại vở không phù hợp. Ấy là một cuốn vở bìa màu xanh dương loại ba ô li. Có phải ấy là loại vở dùng cho lớp hai khi chúng tôi tập viết chữ thảo không nhỉ? Nhưng có một điều tôi không thể nào quên được, đó là buổi sáng hôm ấy, tôi được mục kích một đứa con trai miền biển, bạn cùng bàn, lần đầu tiên được cầm bút vở. Và suốt những năm sau đó, mọi thứ nó viết ra đều là thành quả của một bộ óc sáng sủa, một câu nói thốt ra từ miệng nó đều tỏa rạng một thứ ánh sáng chan hòa rực rỡ. Và cùng với thời gian, đứa con trai miền biển nghèo khó ấy đã xua tan đám mây đen u ám bấy lâu bao phủ ngôi trường vì sau này cậu đã trở thành một nhân vật kiệt xuất nhất tôi từng gặp trong suốt cả cuộc đời mình. 

 

  Chương 3 - Tủ kính trưng bày MUỐN MIÊU TẢ NGÔI TRƯỜNG của bọn tôi thì chẳng khó khăn gì. Ấy là một trong hàng trăm - thậm chí là hàng ngàn - ngôi trường cũ kỹ xập xệ ở Indonesia. Nói không ngoa, nếu có con dê nào đang nổi cơn động dục chạy đâm sầm vào thì nó sẽ ngay lập tức đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn cho xem. 

Ở đây chỉ có hai giáo viên đảm nhiệm tất cả các môn và tất cả các khối lớp. Bọn tôi không có đồng phục gì cả. Ngay cả toa lét cũng không nốt. Ngôi trường này nằm ngay bìa rừng, thế nên mỗi khi thấy buồn đi, bọn tôi chỉ cần chui vào bụi rậm là xong. Cô giáo thường phải đi theo trông chừng, nhỡ có đứa nào đụng phải rắn rết nơi nhà xí lộ thiên đó. 

Ở đây cũng không có dụng cụ sơ cứu y tế. Hễ đứa nào ốm, dù bất kỳ bệnh gì - tiêu chảy, sưng, ho, cảm cúm, ghẻ ngứa - cô giáo đều cho uống ngay một viên thuốc tròn to cồ cộ như cái cúc áo đi mưa. Viên thuốc màu trắng, đăng đắng, uống xong là no luôn. Trên viên thuốc có ba chữ cái to tướng: APC - Aspirin, Phenacetin và Caffein. Viên thuốc APC trở thành huyền thoại khắp miền ngoại ô Belitong như một thứ thần dược có thể chữa bách bệnh. Viên thuốc chữa bách bệnh đó là giải pháp của chính phủ dành cho người nghèo thiếu thuốc men. 

Trường chúng tôi chưa khi nào được các vị quan chức, các nhà quản lý giáo dục, hay những thành viên của hội đồng lập pháp đến thăm hỏi lấy một lần. Chỉ có mỗi một anh ăn mặc hệt ninja là đều đặn đến thôi. Anh đeo trên lưng một cái bình bằng nhôm có vòi kéo lê theo sau. Trông cứ như anh sắp lên mặt trăng ấy. Anh này do sở y tế cử đến làm nhiệm vụ phun thuốc diệt muỗi. Cứ hễ thấy luồng hơi trắng đậm đặc phụt ra giống như những đám khói tín hiệu là bọn tôi nhất loạt hò reo vang dội. 

Trường bọn tôi không cần bảo vệ vì chẳng có thứ gì đáng giá để bọn trộm nhìn ngó. Người ta biết chỗ này là trường học nhờ vào một thứ duy nhất - cái cột cờ bằng tre đã ngả vàng. Trên đó lủng lẳng một tấm biển màu xanh lá cây có vẽ hình mặt trời tỏa tia nắng màu trắng. Chính giữa tấm bảng có hai dòng chữ: 

 

SD MD 

Sekolah Dasar Muhammadiyah 

 

Có một câu được viết bằng tiếng Ả Rập ngay bên dưới biểu tượng mặt trời. Năm lớp hai, khi đã rành tiếng Ả Rập, tôi mới biết câu amar makruf nahi mungkar ấy có nghĩa là “nên làm điều thiện, tránh làm điều ác” - nguyên tắc số một của Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai tại Indonesia với hơn ba mươi triệu tín đồ. Lời răn ấy khắc sâu vào tâm trí chúng tôi và ở mãi đó trong suốt những năm tháng học làm người; đứa nào cũng thuộc nằm lòng. 

Nhìn từ xa, ngôi trường cứ như thể muốn đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Những xà gỗ đã mục ruỗng nằm xộc xệch, không thể chịu nổi cái nặng trình trịch. Nó giống như một kho chứa củi dừa khô. Kết cấu của ngôi trường không theo một lối kiến trúc quy củ nào. Cửa sổ và cửa lớn không thể đóng được vì không khớp với khung, nhưng đằng nào thì cũng đâu cần phải khóa. 

Quang cảnh trong lớp học có thể được miêu tả bằng những từ như thế này: ít sử dụng, lạ lùng, gợi lên lòng thương cảm đến ngậm ngùi. Một trong những thứ ít được sử dụng nhất là cái tủ kính trưng bày bằng cấp cửa đóng không khít. Chỉ có thể đóng kín cánh cửa bằng cách gấp một tờ giấy làm cái nêm. Bên trong một lớp học đích thực, cái tủ trưng bày như thế thường lưu giữ ảnh các cựu học sinh thành đạt hay ảnh chụp thầy hiệu trưởng cùng bộ trưởng bộ giáo dục, hoặc thầy phó hiệu trưởng cùng các vị thứ trưởng giáo dục, có khi cái tủ ấy cũng được dùng để trưng bày giấy khen, huy chương, chứng chỉ, kỷ niệm chương về những thành tích vang dội của nhà trường. Thế nhưng trong lớp học của bọn tôi, cái tủ kính to tướng ấy đứng chơ vơ tủi hổ nơi góc phòng. Nó trống hơ trống hoác trông hết sức thảm thương vì chẳng có vị quan chức nào muốn đến thăm thầy cô giáo trường bọn tôi, trường cũng chẳng có lấy một cựu học sinh nào đáng tự hào, và đương nhiên là bọn tôi chưa đạt được một thành tích đáng tuyên dương nào cả. 

Không giống lớp học ở những trường tiểu học khác, bên trong lớp chúng tôi không có một bảng nhân nào. Bọn tôi cũng không hề có lịch. Thậm chí chẳng có lấy một tấm ảnh của Tổng thống hay Phó Tổng thống Indonesia hay biểu tượng của quốc gia - con chim có hình dáng kỳ lạ với cái đuôi có tám sợi lông luôn ngoảnh nhìn phía bên phải ấy. Thứ duy nhất treo trong lớp học là một tấm áp phích. Nó ở ngay đằng sau bàn của cô Mus với sứ mệnh che chắn một lỗ hổng bự chảng trên vách tường ván. Tấm áp phích in hình một anh chàng có bộ râu quai nón rậm rì. Anh mặc áo choàng dài buông thõng, khoác trên vai một cây ghi ta hết sức kiểu cách. Đôi mắt u sầu của anh cháy bỏng, như thể anh đã kinh qua hết những thử thách cay nghiệt của cuộc đời, và trông anh có vẻ thật sự quyết tâm chống lại hết thảy mọi bất công, mọi tệ nạn trên trái đất này. Anh đang ngước mắt trông lên bầu trời, và bao nhiêu là tiền đang rơi xuống. Anh là Rhoma Irama, một ca sĩ nhạc dangdut[1], thần tượng âm nhạc của người Mã Lai - Elvis Presley của chúng tôi. Phía dưới tấm áp phích có hai câu mà vào ngày đầu tiên đi học tôi không hiểu gì cả. Nhưng đến khi học lớp hai, lúc đã có thể đọc thông, tôi mới biết đó là: RHOMA IRAMA. HUJAN DUIT! Rhoma Irama, cơn mưa tiền! 

[1] Thể loại âm nhạc phổ biến ở Indonesia 

Trưng bày ảnh Tổng thống và Phó Tổng thống cùng quốc huy Garuda Pancasila - có hình con chim lạ với tám cái lông đuôi luôn ngoảnh đầu nhìn sang bên phải (Garuda) và năm nguyên tắc quốc gia (Pancasila) - là điều bắt buộc tại bất kỳ trường học nào ở Indonesia. Để được đánh giá là một trường điểm, những tấm hình này là yếu tố quyết định. Nhưng với trường bọn tôi thì như thế cũng chẳng ra sao vì trường này có phải là trường điểm gì đâu, và chẳng thấy ai đến đánh giá đánh giủng gì bao giờ. Chưa từng thấy một vị thanh tra nào tới ngó xem trường tôi có chịu treo năm nguyên tắc quốc gia hay không, bởi lẽ hội đồng quản trị nhà trường hầu như không công nhận sự tồn tại của bọn tôi. Cứ như thể ngôi trường bị mất hút đâu đó trong không gian và thời gian. Nhưng dù thế nào thì bọn tôi cũng đã có tấm áp phích in hình ca sĩ Rhoma Irama - thế còn hay hơn nhiều ấy chứ! 

Hãy hình dung những nguy cơ tiềm ẩn trong lớp chúng tôi đây này: mái nhà có nhiều lỗ thủng đến độ mỗi khi có cái máy bay nào bay ngang qua, cả lớp cứ nghển cổ nhìn lên là có thể trong thấy, mỗi khi trời mưa cả lớp phải đội dù ngồi học; nền bằng xi măng đang đến hồi mủn ra; những trận gió mạnh cứ khiến bọn học trò ấy run lên, hớt hơ hớt hải vì sợ trường của bọn chúng đổ sụp; và đứa nào muốn vào lớp học trước tiên phải xua mấy con dê cái ra đã. Vậy nên, bạn tôi ơi, chẳng còn gì thú vị để nói về sự nghèo túng của trường bọn tôi nữa đâu. Điều còn thú vị hơn nữa là những người toàn tâm toàn ý cống hiến đời mình cho sự sống còn của một ngôi trường như thế. Những con người ấy không phải ai khác mà chính là thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus. 

 

  Chương 4 - Gấu xám Bắc Mỹ CŨNG GIỐNG NHƯ ĐỐI VỚI NGÔI TRƯỜNG, muốn miêu tả thầy Harfan cũng không mấy khó khăn. Hàng ria mép dày nối liền với bộ râu quai nón rậm rạp màu nâu nhạt và điểm xám. Gương mặt thầy, nói tóm lại, có hơi dễ sợ một chút. 

Nếu có ai hỏi thầy Harfan về bộ râu quai nón rối tinh đó của thầy, thầy sẽ không buồn giải thích gì cả mà thay vào đó đưa họ một cuốn sách có tên Keutamaan Memelihara Fenggot, hay Cách chăm sóc râu tốt nhất. Chỉ cần đọc phần giới thiệu thôi cũng đủ khiến cho bất kỳ ai cảm thấy xấu hổ và đã vội hỏi thầy một câu như vậy. 

Hôm khai giảng năm học mới ấy, thầy Harfan mặc chiếc sơ mi giản dị trước đây hẳn là màu xanh lá cây nhưng giờ đã bạc thếch. Vẫn còn vương lại mấy vệt màu mờ mờ. Áo lót thủng lỗ chỗ, còn quần thì sờn cả vì phải trải qua quá nhiều lần giặt. Dây nịt quần loại rẻ tiền bằng nhựa kiểu thắt bện có nhiều vết khía hình chữ V - hẳn thầy đã đeo cái dây nịt ấy đâu từ hồi mười ba, mười bốn tuổi gì đấy. Vì sự nghiệp giáo dục Hồi giáo, thầy Harfan đã hết lòng phụng sự ngôi trường tiểu học Muhammadiyah này hàng mấy chục năm mà không được trả một đồng lương nào. Gia đình thầy sống bằng số hoa màu trồng nơi vườn nhà. 

Bởi vì thầy Harfan trông cứ giống như một con gấu xám Bắc Mỹ nên lần đầu tiên trông thấy thầy đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt. Trẻ nhỏ mà thấy thầy chắc phải khóc ré lên mất thôi. Thế nhưng khi thầy bắt đầu nói chuyện với bọn tôi vào buổi sáng hôm ấy, bài diễn văn chào mừng của thầy như viên ngọc trai trí tuệ đầy chất thơ, và một bầu không khí tràn ngập tươi vui bao trùm lấy ngôi trường nhỏ bé cũ kỹ của thầy. Bọn tôi mến thầy ngay tắp lự. Cổ áo mòn sơ cả chỉ của thầy Harfan trễ xuống khi thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện con thuyền của Noah và các loài mà ông chọn mang theo lên thuyền trong trận đại hồng thủy. 

“Có nhiều người chẳng chịu để ý đến lời cảnh báo rằng đại hồng thủy đang đến,” thầy bắt đầu câu chuyện với giọng sôi nổi. Bọn tôi nghe chăm chú, say sưa nuốt từng lời kể của thầy. 

“Và thế là tính kiêu căng đã khiến họ có mắt mà như mù có tai mà như điếc, cho đến khi bị cơn hồng thủy nuốt gọn...” 

Câu chuyện để lại trong tâm trí bọn tôi một ấn tượng sâu sắc. Bài học đạo đức số một dành cho tôi: Nếu không siêng năng cầu kinh, anh phải là người bơi giỏi. 

Thầy kể tiếp một câu chuyện cũng hấp dẫn không kém về cuộc chiến tranh lịch sử trong thời nhà tiên tri Muhammad - họ chiến đấu bằng sức mạnh của đức tin chứ không phải bằng sức mạnh của quân đội: cuộc chiến Badar. Chỉ có 313 quân Hồi giáo mà đánh bại những mấy ngàn quân Quraisy hiếu chiến trang bị vũ khí đến tận răng. 

“Hãy để mọi người đều biết, gia đình Ghudar! Các người sẽ ngã lăn ra chết trong vòng ba mươi ngày tới!” Thầy Harfan giọng sang sảng, quắc mắt nhìn thẳng lên bầu trời qua lối cửa sổ, thét lên giấc mơ của một người Mecca tiên tri về sự thất bại của quân Quraisy trong trận chiến Badar. 

Nghe tiếng hét lớn của thầy tôi muốn nhảy bật ra khỏi ghế. Bọn tôi lặng người đi vì kinh ngạc, tiếng thét sang sảng của thầy Harfan có sức lay động đến từng nơ-ron thần kinh của bọn chúng tôi. Chúng tôi chồm cả người lên phía trước háo hức muốn nghe thêm câu chuyện, đứa nào cũng phấn chấn hẳn lên muốn góp sức cùng cha ông giành chiến thắng trong cuộc chiến tôn giáo đó. 

Rồi thầy Harfan khiến cho bầu không khí lắng xuống bằng câu chuyện về nỗi gian truân của những người sáng lập ra ngôi trường của bọn tôi - bị thực dân Hà Lan đàn áp, bị chính quyền bỏ mặc, chẳng ai đoái hoài, nhưng vẫn đứng hiên ngang theo đuổi những ước mơ lớn lao giành cho giáo dục. 

Thầy Harfan kể tất cả những câu chuyện ấy bằng sự hăng hái y hệt khi kể câu chuyện về cuộc chiến Badar, nhưng đồng thời cũng trầm lắng như làn gió nhẹ sớm mai. Bọn tôi như bị bỏ bùa mê bởi giọng nói và cử chỉ của thầy. Ở thầy toát lên nét gì đó rất dịu dàng và đẹp đẽ. Qua cách cư xử của thầy có thể thấy thầy là người khôn ngoan, can đảm - người đã đi qua cuộc đời với những thăng trầm khổ ải, có hiểu biết rộng lớn như đại dương, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy thử thách, và thực sự thích giảng giải cặn kẽ mọi điều để ai cũng có thể hiểu được. 

Ngay từ cái ngày đầu tiên ấy bọn tôi đã có thể khẳng định rằng thầy Harfan sinh ra để đứng trên bục giảng. Thầy là một người thầy đúng nghĩa theo tiếng Hindi: một người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình. Thầy thường lên giọng rồi xuống giọng, hai tay giữ chặt mép bàn trong khi nhấn mạnh từ nào đấy và vung cả hai tay lên trời cứ như đang thực hiện các động tác trong vũ điệu cầu mưa. 

Trong giờ học, khi bọn tôi đặt câu hỏi, thầy lúp xúp chạy lại gần bọn tôi, nhìn vào mắt bọn tôi bằng đôi mắt điềm đạm như thể bọn tôi là những đứa trẻ Mã Lai quý giá nhất vậy. Thầy thì thầm vào tai bọn tôi, trích dẫn lưu loát những câu thơ và bài kinh Koran, kích thích năng lực lĩnh hội của bọn tôi, làm chúng tôi phục lăn vì sự uyên bác của thầy, và rồi im bặt đi, như người đang mơ mộng về một tình yêu đã đánh mất từ rất lâu. Thật đẹp đẽ biết bao... 

Bằng ngôn từ khiêm nhường, mãnh liệt như những giọt mưa, thầy mang đến cho bọn tôi cái thiết yếu nhất của sự công bằng trong cuộc sống giản dị. Thầy khơi gợi nơi bọn tôi sự ham học hỏi và khiến bọn tôi bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ được đầu hàng khó khăn gian khổ. Bài học đầu tiên của bọn tôi từ thầy Harfan là phải giữ vững nềm tin và khát khao mãnh liệt để đạt được ước mơ. Thầy thuyết phục bọn tôi rằng cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho ta dù trong đói nghèo, miễn là ta hãy cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức để lấy đi thật nhiều. 

Bọn tôi đứa nào đứa nấy cứ thế mở to mắt ra - thậm chí không nháy lấy một lần - nhìn chăm chăm vào người kể chuyện là thầy. Thầy có vẻ ngoài mệt mỏi với trang phục cũ kỹ sờn rách, nhưng suy nghĩ và ngôn từ thanh khiết của thầy lại tỏa sáng lấp lánh. Khi thầy nói, bọn tôi lắng nghe, ngồi im phăng phắc say mê chăm chú, nóng lòng ngóng đợi những lời tiếp theo. Tôi cảm thấy mình may mắn không thể tin được khi có cơ hội ngồi tại đó vào phút giây ấy, giữa những con người tuyệt vời. Có một vẻ đẹp nào đó toát lên từ ngôi trường nghèo nàn này, một vẻ đẹp mà tôi chẳng đời nào đánh đổi để đến học tại hàng ngàn ngôi trường xa hoa khác. 

Khi thầy Harfan muốn kiểm tra chúng tôi về câu chuyện thầy vừa kể xong thì những cánh tay nhất loạt giơ lên - ngay cả khi chúng tôi không chắc câu trả lời của mình đúng hay sai - và tranh nhau cơ hội trả lời thậm chí trước cả khi thầy kịp đặt câu hỏi. 

Đáng buồn thay, người thầy đầy nhiệt huyết và khiến bọn tôi say mê ấy đã phải rời lớp vì tiết học của thầy đã hết giờ. Một tiếng đồng hồ học cùng thầy cứ như một phút. Chúng tôi dõi theo thầy cho đến khi thầy rời hẳn khỏi phòng. Chúng tôi không thể không dõi theo thầy vì cả bọn đã phải lòng thầy mất rồi và thầy cũng đã khiến cả bọn phải lòng cái ngôi trường cũ kỹ này nữa, bài nói chuyện của thầy Harfan vào ngày đầu tiên đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah ấy đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi niềm ao ước được bảo vệ ngôi trường sắp đổ sụp này, dù cho thế nào đi nữa. 

Rồi cô Mus tiếp quản lớp. Phần giới thiệu. Lần lượt từng đứa đứng trước lớp giới thiệu về mình. Đứa cuối cùng là A Kiong. Nước mắt đã thôi chảy, nhưng nó vẫn còn sụt sịt. Khi được gọi lên, nó rất vui. Nó mỉm cười giữa những tiếng sụt sịt. Tay trái khư khư cái chai không còn một giọt nước vì Sahara đã làm đổ sạch mất rồi, còn tay phải cầm chặt cái nút chai. 

“Em hãy giới thiệu tên và nơi ở của em đi,” cô Mus dịu dàng nói với thằng nhóc người Phúc Kiến. 

A Kiong nhìn cô Mus vẻ ngần ngừ rồi lại toét miệng cười. Cha nó rẽ đám đông để trông xem con trai mình tự giới thiệu trước lớp thế nào. Tuy nhiên, dù cô Mus nhắc đi nhắc lại mấy lượt, A Kiong vẫn không thốt ra được lời nào. Nó cứ nhoẻn cười như thế. 

“Nào, em nói đi,” cô Mus lại thúc giục lần nữa. 

A Kiong chỉ đáp lại bằng nụ cười. Nó cứ liếc mắt về phía cha nó - cha nó thì ruột gan lúc này nóng như lửa đốt. Tôi có thể đọc được suy nghĩ của cha nó: “Nào con, mạnh dạn lên đi, nói tên đi! Ít nhất hãy nói tên cha cũng được, một lần thôi mà! Đừng làm hổ thẹn người Phúc Kiến chứ!” Người cha Trung Quốc ấy có khuôn mặt thật dễ mến. Ông làm nghề nông, tầng lớp thấp nhất trong cộng đồng người Hoa ở Belitong. 

Cô Mus dỗ dành nó lần cuối. 

“Thôi được, đây là cơ hội cuối cùng để em giới thiệu về mình. Nếu chưa sẵn sàng, em có thể về chỗ ngồi.” 

Nhưng thay vì thất vọng do không được thể hiện, A Kiong thậm chí còn vui hơn. Nó không nói tiếng nào. Chỉ ngoác miệng cười to hơn và đôi má phúng phính đỏ lựng lên. Bài học đạo đức số hai: Đừng hỏi tên và nơi sinh sống của một người sống ở nông trại. 

Và thế là xong phần giới thiệu trong ngày tháng Hai đáng nhớ ấy. 

 

  Chương 5 - Đảo Belitong Belitong là hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia, thậm chí có thể là nhất thế giới nữa kia. Nó thuộc quần đảo Sumatra, nhưng sự giàu có khiến nó trở nên biệt lập. Tại đó, trên hòn đảo xa xôi ấy, là nền văn hóa cổ xưa của người Mã Lai được du nhập từ Malacca, và một bí mật bấy lâu được giấu kín nơi miền đất này mãi cho đến khi người Hà Lan tìm thấy. Tận sâu trong vùng đất lầy ấy có một kho tàng khổng lồ: thiếc. Thứ thiếc thiêng liêng. Chỉ cần một nắm thôi cũng đủ đổi lấy cả hàng chục xô gạo rồi. 

Giống như tòa tháp Babel[1], cái thang ẩn dụ bắc lên thiên đàng và là biểu tượng của quyền lực, thiếc ở Belitong là tòa tháp của sự thịnh vượng không ngừng lớn dần lên bao trùm bán đảo Malacca, như những đợt sóng không dứt từ ngoài khơi ùa vào bờ. 

[1] Sau trận đại hồng thủy, hậu duệ của Noah sinh sôi nảy nở lan tràn khắp mặt đất. Do lo sợ sẽ bị Thiên Chúa giáng một đại nạn nữa như trận đại hồng thủy nên loài người rủ nhau xây dựng tháp Babel. Họ cùng nhau xây tòa tháp ở thành phố Babylon với tham vọng sánh ngang Thiên chúa, thách thức Thiên chúa. Vì thế Thiên chúa đã làm cho họ trở nên bất đồng ngôn ngữ, không hiểu ý nhau và không thống nhất được trong việc xây tháp. Cuối cùng thì tháp Babel không bao giờ được hoàn thành. 

Nói không ngoa, nếu ai đó vục tay vào lớp đất nông ở bất kỳ chỗ nào, rút tay lên sẽ thấy nó lấp lánh ánh thiếc. Từ ngoài khơi xa trông vào, đảo Belitong sáng lóa như một ngọn hải đăng định hướng cho tàu thuyền qua lại trên biển. 

Nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ những mỏ thiếc, nơi này được ghi dấu trong các cuốn sách địa lý bằng cái tên Belitong, Đảo Thiếc. Nhưng đảo thiếc Belitong ấy không có được cái phúc phận giúp tàu thuyền đến đảo không mất tích giữa đường. Thay vào đó, Thượng đế lại cố tình để những mỏ thiếc trở thành bài học cho chính những cư dân trên đảo. Phải chăng họ không biết trân trọng món quà của Thượng đế - để rồi mất tất cả, giống như khi đấng Tối cao trừng phạt người Lemuria[2] chăng? Thiếc cứ tỏa sáng thế cả trong đêm tối. Việc khai thác thiếc trên diện rộng liên tục diễn ra dưới hàng ngàn ngọn đèn tiêu tốn đến hàng triệu kilowatt năng lượng. Nhìn từ trên không, Belitong cứ như một đàn sứa rực rỡ, phát ra thứ ánh sáng màu xanh trong cái tối tăm của biển cả; trơ trọi, nhỏ bé, chói lọi, đẹp đẽ và thừa mứa. 

[2] Có giả thiết cho rằng đây là một lục địa từng tồn tại trong thời cổ đại và hiện đã chìm dưới đại dương. 

May mắn xiết bao cho vùng đất nơi có những mỏ thiếc nằm trong lòng, bởi vì giống như một bông hoa có vô vàn ong bu vào, thiếc luôn đi theo kèm với những loại vật chất khác: đất sét, xenotime, ziriconi, vàng, bạc, topaz, galen, đồng, thạch anh, silic, granite, monazic, inmenit, siderite và hematit. Thậm chí nơi này còn có cả urani nữa. Những lớp tài nguyên màu mỡ cuộn trào bên dưới những ngôi nhà xiêu vẹo nơi chúng tôi hằng ngày lây lất với cuộc sống thiếu thốn túng quẫn. Chúng tôi, những cư dân bản xứ của Belitong, giống như một bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc. 

 

Điền Trang 

Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đó được một công ty có tên gọi là PN Timah khai thác. PN viết tắt từ Perusahaan Negeri, hay còn gọi là công ty nhà nước, Timah có nghĩa là thiếc. 

PN điều hành 16 máy xúc. Công ty thu hút gần như toàn bộ lực lượng lao động của cả đảo. Ấy là một hệ thống khai thác hoàn toàn độc quyền trên khắp đảo Belitong. 

Những cái máng xúc bằng thép liên tục bổ những nhát xói sâu vào mảnh đất Belitong. Chúng giống như những con rắn khổng lồ háu đói chẳng biết đến mệt mỏi là gì. Chúng dài như những sân bóng, và không có gì có thể ngăn chúng lại được. Chúng đập nát những dãy san hô, đốn hạ những thân cây to ngang một ngôi nhà nhỏ, giật sập những tòa nhà bằng gạch chỉ trong chớp mắt, và chẳng mấy chốc san phẳng cả một ngôi làng. Chúng rong ruổi khắp chốn, từ sườn núi, cánh đồng, thung lũng đến biển, hồ, sông, đầm lầy. Âm thanh phát ra từ những chiếc máy xúc nghe cứ như tiếng khủng long gầm thét. 

Bọn tôi thường cược nhau những chuyện hết sức dớ dẩn, kiểu như một cái máy xúc mất bao nhiêu phút để biến một quả núi thành một cánh đồng. Đứa thua cuộc, bao giờ cũng là Syahdan, sẽ phải đi lùi về nhà, không được quay người lại. Cả bọn sẽ đi theo, liên tục vỗ lục lạc trong khi nó đi từng bước giật lùi lạch bà lạch bạch như con chim cánh cụt. Cuộc chơi thường kết thúc khi nó ngã bổ chửng xuống một con mương. 

Chính quyền Indonesia tiếp quản PN từ thực dân Hà Lan, không chỉ về của cải mà cả tâm thức phong kiến. Ngay cả sau khi Indonesia giành được tự do, cách đối xử của PN đối với người làm công bản xứ vẫn mang tính phân biệt đối xử hà khắc. Cách đối xử khác nhau dựa trên vị trí khác nhau. 

Ở vị trí cao nhất là những ủy viên ban quản trị PN. Họ được gọi là Nhân viên. Vị trí thấp nhất không ai khác hơn ngoài những ông bố bà mẹ làm thuê cho PN với những công việc kiểu như khuân ống, hoặc nặng nhọc hơn là vận chuyển thiếc, hay làm công nhật. Bởi lẽ Belitong đã biến thành một làng doanh nghiệp nên PN dần dần trở thành một mô hình như lãnh đạo bá chủ, và đúng theo lối điều hành phong kiến vị trí một công nhân PN dần tự động trở thành ngồi chơi xơi nước. 

Nhân viên - gần như chẳng có lấy một người Belitong-Mã Lai nào - sống tại một khu vực riêng biệt có tên gọi là Điền Trang. Khu vực này có lực lượng bảo vệ canh gác, có hàng rào, có tường cao và những tấm biển cảnh cáo với lời lẽ không mấy dễ chịu dán khắp nơi bằng ba thứ tiếng: tiếng Indonesia theo lối chuẩn, tiếng Hoa và tiếng Hà Lan. Tất cả đều cùng một nội dung “Không phận sự miễn vào”. 

Trong mắt chúng tôi - những đứa trẻ làng nghèo khổ - Điền Trang đúng là không khác gì lời cảnh báo “Không được đến gần”. Ấn tượng ấy còn được củng cố thêm bởi một hàng cây cọ cao chót vót rụng trái nhỏ xíu đỏ tươi lên nóc những chiếc xe hơi đắt tiền đậu thành hàng nơi lối vào ga ra. 

Những ngôi nhà sang trọng của Điền Trang được xây cất theo lối kiến trúc thời Victoria. Rèm cửa may xếp lớp giống tấm màn ở nhà hát. Bên trong, những gia đình nhỏ sống thật êm đềm với hai đứa con, cùng lắm là ba đứa. Những ngôi nhà ấy luôn bình yên, và không một tiếng ồn. 

Điền trang tọa lạc trên một sườn núi cao, làm cho những ngôi nhà theo lối kiến trúc Victoria mang dáng vẻ những tòa lâu đài của giới quý tộc. Mỗi ngôi nhà gồm bốn cấu trúc riêng biệt: những phòng lớn dành cho các chủ nhân, khu vực dành cho kẻ ở người làm, ga ra và nhà kho. Bốn khu vực được nối kết với nhau bằng những hàng hiên dài thông thoáng bao quanh một cái hồ nhỏ. Nước xanh trong, những đóa huệ tây mấp mé nơi mép hồ. Chính giữa hồ là bức tượng cậu bé trần truồng - cậu bé trong truyền thuyết Bỉ - và nước liên tục tuôn ra từ cái mẩu nhỏ xíu nơi bụng dưới của cậu, nhìn trông thật buồn cười và hơi ngượng nữa. 

Những chậu xương rồng cảnh treo thành hàng dọc mái hiên. Có một người làm công chuyên chăm sóc hoa. Bên bờ hồ có một cái chuồng vuông vức được trang trí cột trụ theo phong cách La Mã. Ấy là chỗ ở của những con bồ câu Anh, háu ăn nhưng hiền lành. 

Một cái trường kỷ to tướng làm bằng gỗ tử đàn theo phong cách Victoria choán gần trọn không gian phòng khách. Ngồi lên đó, người ta có cảm giác như mình là một vị vua tối thượng. Kế bên phòng khách là một hành lang dài, rối rắm. Những bức tranh đắt tiền có giá trị nghệ thuật cao - thế nhưng do chúng truyền tải những ý nghĩa to tát quá nên khó mà hiểu được - treo đầy mấy bức tường. Bạn tôi ơi, nếu bạn cố đi từ phòng khách đến nhà ăn mà không chịu để ý, bạn sẽ chẳng tìm ra lối đâu, do là ở trong ngôi nhà ấy không có biết bao nhiêu cái cửa mà đếm cho xuể. 

Những người sống trong ngôi nhà ấy ngay cả lúc ăn cơm cũng ăn mặc thật đẹp - thậm chí còn mang giày nữa, sau khi trải khăn ăn ngay ngắn trên đùi, họ dùng bữa không có lấy một tiếng nhéo miệng, và nghe nhạc cổ điển, có lẽ là bản Haffner số 35 cung Rê trưởng của Mozart. Và không một ai vừa ăn vừa đặt cùi chỏ lên bàn. 

 

Vào một đêm thanh bình thế này, bầu không khí nơi Điền Trang chìm trong yên tĩnh. Hầu như không có lấy một tiếng động. Chỉ có âm thanh nô giỡn vọng ra từ một góc nào đó xa xa, nhưng để xem thử nào, à chỉ là một con chó xù đang vờn mấy con mèo thôi mà. Một chị hầu gái, sau khi nghe chủ càu nhàu bọn chó mèo gây ồn ào, đã xua mấy con thú cưng chạy biến đi, thế là tất cả lại im ắng như cũ. Không bao lâu sau, âm thanh trong veo từ cây đàn piano văng vẳng vọng ra từ một trong những ngôi nhà có những cái cột trang trí theo lối Victoria. Một con nhóc nhỏ xíu, Floriana, hay còn gọi là Flo, đang tập đàn piano. Thôi chết, nó hơi gà gật vì quá buồn ngủ. Đầu con nhỏ rũ xuống, nó ngáp lấy ngáp để. Trông nó cứ như con mèo đang ngái ngủ. 

Cha nó, một Mollen Bas, Sếp của tất cả đống máy xúc, ngồi bên cạnh nó. Ông phát cáu vì bộ dạng của đứa con gái và thấy xấu hổ trước cô giáo dạy đàn, một phụ nữ Java tuổi trung niên, có nhân cách tốt. 

Cha của Flo có khả năng quản lý ca làm của cả ngàn nhân công, có khả năng giải quyết những trục trặc về kỹ thuật vào loại khó nhất, thành công trong việc trông nom những tài sản trị giá hàng triệu đô la, nhưng khi đối mặt với đứa con gái nhỏ này, đứa nhỏ nhất nhà, ông những muốn đầu hàng. Cha của Flo càng mắng mỏ bao nhiêu, nó lại càng ngáp to hơn bấy nhiêu. 

Cô giáo dạy đàn bắt đầu từ tốn với những nốt đồ, rê, mi, fa, lướt bốn quãng tám, và hướng dẫn vị trí các ngón tay tại mỗi nốt, một bài tập cơ bản về vị trí các ngón tay. Flo lại ngáp dài. 

 

Trường PN 

Trường PN nằm trong khu vực Điền Trang, và đó là một ngôi trường ưu tú, nơi dành cho những học sinh giỏi nhất. Luôn có những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những học sinh ở đây, trong đó có Flo. 

Ngôi trường này khác với trường chúng tôi một trời một vực. Lớp học ở trường PN được trang trí bằng những bức họa phục vụ cho việc học, những bảng tính cơ bản, bảng tuần hoàn các nguyên tố Mendeleev, bản đồ thế giới, nhiệt kế, ảnh của Tổng thống và Phó Tổng thống, quốc huy có hình con chim với cái đuôi có tám lông. Ngoài ra còn có cả những bộ xương dùng trong môn sinh vật, những quả địa cầu lớn và những mô hình hệ mặt trời. Ở đấy không dùng phấn mà dùng loại bút dạ mùi rất khó chịu, vì cái bảng màu trắng tinh. 

“Ở đó có rất nhiều giáo viên,” Bang Amran Isnaini từng học ở đấy, cho tôi biết vào cái đêm trước hôm khi giảng tại Trường Tiểu học Muhammadiyah. Tôi miên man suy nghĩ. 

“Mỗi môn học có một giáo viên đảm nhận, ngay cả lớp một.” 

Tối hôm đó tôi thao thức mãi, đầu ong ong vì cứ cố đếm xem trường PN có bao nhiêu giáo viên tất cả - vả lại đương nhiên là do tôi rất phấn khích về buổi đi học đầu tiên vào ngày hôm sau nữa. 

Ngày đầu tiên đi học ở trường PN đúng thật là một ngày hội. Chẳng như trường chúng tôi - chẳng ai phải thấp thỏm trong lo lắng. Hàng tá xe hơi bóng lộn đậu thành hàng dài trước cổng trường. Hàng trăm đưa trẻ con nhà giàu tới nhập học. Ngay hôm ấy, mỗi tân học sinh được đo may tới những ba bộ đồng phục. 


Phan_1
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .